GIỚI THIỆU CHUNG

Phát triển đô thị hay thành phố ứng dụng công nghệ để thông minh và phát triển bền vững là xu thế phát triển chung của tất cả các đô thị trên thế giới và Việt Nam cũng đang nằm trong những quốc gia đón đầu hiện nay. Tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã sớm xác định phát triển đô thị bền vững, thông minh là một hướng đi có tính đột phá để nâng cao tính cạnh tranh giữa các quốc gia. Ngày 1/8/2018, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án 950 phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030, với nhiều mục tiêu lớn, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước. Đến nay, 48/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.

Ngày 31/5/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 829/QĐ-BTTT về Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh. Ngày 13/9/2019 Bộ cũng đã ban hành Công văn 3098/BTTTT-KHCN công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến 2025 (Phiên bản 1.0). Đây là những căn cứ pháp lý về CNTT cho việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam. Ngày 03/6/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030. Việc triển khai các chương trình chuyển đổi số tại các tỉnh, thành phố sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia đồng thời sẽ giúp các thành phố thông minh hơn và phát triển bền vững. Đặc biệt, ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về Quy hoạch, Xây dựng, Quản lý và Phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số trong phát triển đô thị bền vững. Ngày 8/3/2023, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 143/QĐ-BXD kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị; Quyết định đặt ra những mục tiêu cụ thể và đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cũng như giải pháp để thực hiện mục tiêu cho thấy các Bộ, Ban, Ngành rất quan tâm, chung tay cùng Chính phủ.

Nhằm đồng hành cùng Chính phủ và các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp công nghệ trong cả nước xây dựng thành phố thông minh, góp phần thúc đẩy nhanh việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam và tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thực hiện các mục tiêu, định hướng cũng như các chủ trương chính sách của Chính phủ, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) khởi xướng và tổ chức Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2024. Chương trình được tổ chức thường niên lần đầu năm 2020 nhằm tôn vinh, khích lệ, động viên các tỉnh, thành phố, các khu bất động sản, bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ với những giải pháp giúp các thành phố, đô thị trở nên thông minh hơn, mang lại tiện ích cho người dân.

Dưới đây là thông tin hướng dẫn tham gia “Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2024”

Thông tin chung về Giải thưởng

1. Đơn vị tổ chức: Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA)

Thường trực BTC: Văn phòng VINASA

2. Mục đích:

  • Đồng hành cùng Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam
  • Tuyên dương, tôn vinh các thành tựu, thúc đẩy sự phát triển của thành phố, khu đô thị, khu công nghiệp, các giải pháp công nghệ
  • Góp phần quảng bá, truyền thông, mời gọi đầu tư cho các thành phố, khu đô thị, khu công nghiệp, các dự án và giải pháp
  • Kết nối cung cầu về các giải pháp xây dựng và phát triển thành phố thông minh
  • Thúc đẩy ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế, xã hội đem lại sự thoải mái, thịnh vượng, an toàn, tiện ích cho người dân và phát triển doanh nghiệp.